ĐĂNG KÝ SỔ CHỦ NGUỒN THẢI CHẤT THẢI NGUY HẠI
Tại sao phải đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại ???
Chất thải nguy hại là chất thải có chứa các chất hoặc hợp chất có một trong các đặc tính gây nguy hại trực tiếp (dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, dễ ăn mòn, dễ lây nhiễm và các đặc tính nguy hại khác), hoặc tương tác với chất khác gây nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Vì vậy, cần phải quản lý chất thải nguy hại để bảo vệ môi trường sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không vi phạm pháp luật.
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại có trách nhiệm đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Việc lập Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại giúp cho các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng quản lý, theo dõi tình hình phát sinh, lưu trữ và thu gom, chuyển giao của các doanh nghiệp đang hoạt động mà có phát sinh chất thải nguy hại. Hoạt động này nhằm hạn chế việc lưu trữ, thu gom và chuyển giao sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.
Các căn cứ pháp lý để thực hiện Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại:
- Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13.
- Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
- Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH:
1. Chủ nguồn thải CTNH lập 01 bộ hồ sơ đăng ký chủ nguồn thải CTNH và nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở phát sinh CTNH, bao gồm:
- 01 đơn đăng ký đăng ký, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo Mẫu tại Phụ lục 6 (A) Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại.
- Hồ sơ kèm theo đơn đăng ký:
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương;
- Bản sao báo cáo ĐTM, Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương (Bản cam kết bảo vệ môi trường, Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, Đề án bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ về môi trường khác) kèm theo quyết định phê duyệt hoặc văn bản xác nhận tương ứng;
- Bản sao văn bản chấp thuận phương án tự tái sử dụng, tái chế, sơ chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH trong trường hợp chưa nằm trong báo cáo ĐTM hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương (nếu có);
- Văn bản xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM (trừ trường hợp tích hợp vào thủ tục cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải);
- Bản mô tả chi tiết hệ thống, thiết bị hoặc phương án cho việc tự tái sử dụng, tái chế, sơ chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH kèm theo kết quả 03 (ba) lần lấy mẫu, phân tích đạt QCKTMT đối với các hệ thống, thiết bị xử lý và bảo vệ môi trường (nếu có);
2. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không hợp lệ thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho chủ nguồn thải CTNH để hoàn thiện hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét và cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH.
4. Trường hợp đăng ký chủ nguồn thải CTNH thuộc đối tượng tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH trong khuôn viên cơ sở phát sinh CTNH thì thời hạn xem xét, cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH là 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại
Sau khi được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Sổ chủ nguồn thải CTNH, doanh nghiệp có trách nhiệm như sau:
- Có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý.
- Có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; lưu giữ chất thải nguy hại trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
- Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
- Yêu cầu khi chuyển giao CTNH:
- Chỉ ký hợp đồng chuyển giao CTNH với các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý CTNH hoặc Giấy phép quản lý CTNH phù hợp;
- Khi có nhu cầu xuất khẩu CTNH để xử lý ở nước ngoài, chủ nguồn thải CTNH phải tuân thủ Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các CTNH và việc tiêu hủy chúng;
- Sử dụng chứng từ CTNH mỗi lần chuyển giao CTNH theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
- Sau thời hạn 06 (sáu) tháng kể từ ngày chuyển giao CTNH, nếu không nhận được hai liên cuối cùng của chứng từ CTNH mà không có lý do hợp lý bằng văn bản từ phía tổ chức, cá nhân tiếp nhận CTNH thì chủ nguồn thải CTNH báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Tổng cục Môi trường để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Lập và nộp các báo cáo:
- Báo cáo quản lý CTNH định kỳ hàng năm (kỳ báo cáo tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 (A) ban hành kèm theo Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT và nộp Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp Cơ sở phát sinh CTNH có thời gian hoạt động không quá 01 năm, chủ nguồn thải CTNH chỉ báo cáo một lần trong thời hạn 01tháng kể từ ngày chấm dứt hoạt động;
- Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Lưu trữ với thời hạn 05 năm tất cả các liên chứng từ CTNH đã sử dụng, báo cáo quản lý CTNH và các hồ sơ, tài liệu liên quan để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
Các đối tượng không phải thực hiện thủ tục lập hồ sơ đăng ký để được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH:
- Cơ sở phát sinh CTNH có thời gian hoạt động không quá 01 năm;
- Cơ sở phát sinh CTNH thường xuyên hay định kỳ hàng năm với tổng số lượng không quá 600 kg/năm, trừ trường hợp CTNH thuộc danh mục các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) theo quy định tại Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy;
- Cơ sở dầu khí ngoài biển.
Yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý đối với chủ nguồn thải CTNH:
1. Bao bì CTNH
1.1. Bao bì CTNH (vỏ cứng hoặc vỏ mềm) bảo đảm lưu giữ an toàn CTNH, không bị hư hỏng, rách vỡ vỏ.
1.2. Bao bì mềm được buộc kín và bao bì cứng có nắp đậy kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc bay hơi.
1.3. Chất thải lỏng, bùn thải dạng nhão hoặc chất thải có các thành phần nguy hại dễ bay hơi phải chứa trong bao bì cứng không vượt quá 90% dung tích hoặc mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của bao bì là 10 (mười) cm.
2. Thiết bị lưu chứa CTNH
2.1. Thiết bị lưu chứa (có vỏ cứng với cỡ lớn hơn các bao bì thông thường, như các bồn, bể, công ten nơ...) phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:
2.1.1. Bảo đảm lưu chứa an toàn CTNH, có gia cố hoặc thiết kế đặc biệt tại điểm tiếp nối và vị trí xếp, dỡ hoặc nạp, xả chất thải để tránh rò rỉ.
2.1.2. Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng, biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.
2.1.3. Có biển dấu hiệu cảnh báo theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6707:2009 về chất thải nguy hại - Dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa (sau đây viết tắt là TCVN 6707:2009) với kích thước ít nhất 30 (ba mươi) cm mỗi chiều.
2.2. Thiết bị lưu chứa CTNH ở thể lỏng hoặc có thành phần nguy hại dễ bay hơi phải có nắp đậy kín, biện pháp kiểm soát bay hơi, đặc biệt tại điểm nạp, xả, biện pháp kiểm soát nạp đầy tràn để bảo đảm mức chứa cao nhất cách giới hạn trên của thiết bị lưu chứa 10 (mười) cm.
2.3. Trường hợp thiết bị lưu chứa CTNH không có các thành phần nguy hại dễ bay hơi thì có thể không cần nắp đậy kín nhưng phải có mái hoặc biện pháp che hoàn toàn nắng, mưa khác và biện pháp kiểm soát gió trực tiếp vào bên trong.
2.4. Thiết bị lưu chứa CTNH có dung tích từ 02 (hai) m3 trở lên và đáp ứng các quy định tại Mục này được đặt ngoài trời nhưng phải đảm bảo kín khít, không bị nước mưa lọt vào.
2.5. Trường hợp lưu chứa loại hoặc nhóm CTNH có khả năng phản ứng hóa học với nhau trong cùng thiết bị lưu chứa thì phải có biện pháp cách ly bảo đảm loại hoặc nhóm CTNH không tiếp xúc với nhau trong quá trình lưu chứa
.
3. Khu vực lưu giữ CTNH
3.1. Khu vực lưu giữ CTNH (không bắt buộc phải xây dựng dưới dạng kho) phải đáp ứng các yêu cầu chung như sau:
3.1.1. Mặt sàn trong khu vực lưu giữ CTNH bảo đảm kín khít, không bị thẩm thấu và tránh nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào.
3.1.2. Có mái che kín nắng, mưa cho toàn bộ khu vực lưu giữ CTNH, trừ các thiết bị lưu chứa CTNH với dung tích lớn hơn 02 (hai) m3 thì được đặt ngoài trời; có biện pháp hoặc thiết kế để hạn chế gió trực tiếp vào bên trong.
3.1.3. Có biện pháp cách ly với các loại hoặc nhóm CTNH khác có khả năng phản ứng hóa học với nhau.
3.1.4. Khu lưu giữ CTNH phải được bảo đảm không chảy tràn chất lỏng ra bên ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn.
3.2. Khu vực lưu giữ CTNH dễ cháy, nổ bảo đảm khoảng cách không dưới 10 (mười) m với lò hơi và các thiết bị đốt khác.
3.3. Chất thải lỏng có PCB, các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy thuộc đối tượng quản lý của Công ước Stockholm và các thành phần nguy hại hữu cơ halogen khác (vượt ngưỡng CTNH theo quy định tại QCKTMT về ngưỡng CTNH) phải được chứa trong các bao bì cứng hoặc thiết bị lưu chứa đặt trên các tấm nâng và không xếp chồng lên nhau.
3.4. Khu vực lưu giữ CTNH phải được trang bị như sau:
3.4.1. Thiết bị phòng cháy chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
3.4.2. Vật liệu hấp thụ (như cát khô hoặc mùn cưa) và xẻng để sử dụng trong trường hợp rò rỉ, rơi vãi, đổ tràn CTNH ở thể lỏng.
3.4.3. Biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp với loại CTNH được lưu giữ theo TCVN 6707:2009 với kích thước ít nhất 30 (ba mươi) cm mỗi chiều.
3.4.4. Đối với các cơ sở y tế thì khu vực lưu chứa phải đáp ứng các quy định về quản lý chất thải y tế.
Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Môi trường Thịnh Phát chuyên tư vấn lập hồ sơ đăng ký Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp gặp các vấn đề khó khăn về pháp lý bảo vệ môi trường
Gọi cho Chúng tôi để được tư vấn
Hotline: 0909 0011 47